Tin chuyên ngành

Đối thoại với Thủ tướng, doanh nghiệp than còn nhiều "khổ", "khó"

Đăng lúc 15:18:56 ngày 17/05/2017 | Lượt xem 1636

Phản ánh đến Thủ tướng, lãnh đạo một DN thẳng thắn đánh giá "cán bộ đi chơi rất nhiều, nói nhiều hơn làm"...

Tham dự Hội nghị đối thoại Thủ tướng với Doanh nghiệp sáng 17/5, nhiều đại diện doanh nghiệp đã lên tiếng trình bày những vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển doanh nghiệp.

Đề nghị tăng thời gian thu phí BOT

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch HĐQT Công ty Golf Long Thành kiến nghị ưu đãi thời gian thu phí cho dự án BOT. Chia sẻ một số khó khăn của các doanh nghiệp đã đầu tư vào hạ tầng đường cao tốc, ông Kiểm cho biết bản thân Golf Long Thành có đối tác Nhật có đủ vốn thực hiện dự án. "Chúng tôi đã ký với đối tác Nhật và họ lo nguồn vốn hàng tỷ USD để thực hiện các dự án BOT với hoặc mua các dự án BOT. Tuy nhiên có khó khăn là các dự án "vòng đời" rất dài mà tỷ giá luôn thay đổi nên đề nghị Chính phủ có bảo lãnh về tỷ giá để thu hồi vốn, trả cho nước ngoài. Cụ thể nếu biến động tỷ giá lớn thì được tăng thời gian thu phí", ông Kiểm nói. 

Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính để thúc đẩy kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng phát triển. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm có văn bản cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5, nhằm gia tăng sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân với khu vực kinh tế khác.

Bà Nga cũng góp ý sớm có văn bản cụ thể hóa chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nâng cao tư duy dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư và khắc phục các rủi ro kinh doanh.

Gánh nặng chi phí

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh đến gánh nặng về chi phí mà các doanh nghiệp đang phải chịu, trong đó có cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức. "Chỉ đạo của Thủ tướng và các chính sách của Chính phủ đã tháo gỡ nhiều rào cản, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nhưng họ còn gặp nhiều khó khăn trên con đường làm ăn chân chính, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí", ông Thân nói.

Ông Thân cho rằng kết quả đạt được về cải cách thủ tục hành chính và cải cách thể chế nói chung đã giảm nhiều chi phí chính thức của doanh nghiệp, tuy nhiên, chi phí tuân thủ pháp luật, thủ tục hành chính về thuế, phí, lệ phí còn cao trong cơ cấu chi phí chung của doanh nghiệp, 1 số quy định về thủ tục hành chính chồng chéo, không cần thiết làm mất thời gian và gia tăng chi phí chính thức của doanh nghiệp.

Về chi phí không chính thức, theo ông Thân, các khoản phí cho việc tiếp cận dịch vụ công như xin cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép trong quản lý đất đai, đấu thầu... chưa thấy có sự cải tiến. Ngoài ra, trong các lĩnh vực thường xuyên bị kiểm tra, thanh tra như chấp hành pháp luật thuế, lao động, môi trường, ATTP, PCCC, họ tiếp tục phải chi nhiều khoản chi không chính thức.

"Chi phí chính thức và không chính thức cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao, giảm năng lực cạnh tranh, ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng", ông Thân nói và chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này.

 
 

Trong đó, chủ yếu do quá trình thực thi còn yếu, thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận không nhỏ người thực thi công vụ, hướng dẫn chậm và không hướng dẫn cho doanh nghiệp, chưa coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Điều này dẫn đến việc phải đi đêm, bôi trơn, chung chi theo kiểu “của công chia ba, của nhà chia đôi”. Ông Thân đánh giá hiện thực này tương đối phổ biến. Và ở một góc độ khác, doanh nghiệp hiểu một phần nguyên nhân trực trạng trên do lương công chức thấp, cùng với đạo đức công vụ thấp nên họ phải tìm kiếm thêm nguồn thu từ các chi phí không chính thức.

Tự nhìn nhận từ phía doanh nghiệp, ông Thân cho rằng có một bộ phận do nhận thức không đúng nền kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh và đạo đức kinh doanh nên đã chạy theo kiểu kinh doanh bằng quan hệ để có được lợi thế trong kinh doanh; Một số DN bị sức ép buộc phải chi để được việc dù nhận thức việc làm đó không chính đáng, thậm chí vi phạm pháp luật nhưng miễn cưỡng chấp nhận để tồn tại.

"Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây muôn vàn khó khăn cho doanh nghiệp khiến họ mệt mỏi, chán chường, nản chí trong kinh doanh; bào mòn, bóp méo tư tưởng cạnh tranh lành mạnh, giảm sút năng lực cạnh tranh, làm hỏng bộ máy quản lý, giảm niềm tin của nhân dân", ông Thân nhấn mạnh.

Ông Thân đưa ra hàng loạt kiến nghị, trong đó lưu ý nguồn vốn nhàn rỗi trong dân còn rất lớn nhưng việc huy động nguồn lực này vào đầu tư phát triển còn hạn chế, vì vậy rất cần Chính phủ có giải pháp đột phá.

Lắng nghe ý kiến của ông Thân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá đây là ý kiến rất thẳng thắn, nêu ra vấn đề chúng ta đang rất bức xúc.

Doanh nghiệp thấy cán bộ “đi chơi” nhiều quá

Ông Nguyễn Hữu Đệ phát biểu với tư cách đại diện Tổng công ty cổ phần Hợp lực, đại diện Hiệp hội các bệnh viện Tư nhân VN và Hiệp hội DN Thanh Hoá bày tỏ bức xúc về công tác cán bộ. Ông nói: “Doanh nghiệp chúng tôi nhận định phải có đến 50% cán bộ là thừa, họ đi chơi rất nhiều, ngồi nói chữ nhiều hơn là làm, đề nghị tránh tình trạng mua quan bán chức thì chúng ta mới chọn được người tài, người có năng lực như tinh thần của Thủ tướng đã nêu”.

Nhắc đến Nghị quyết 93 của Chính phủ vốn được coi là rất có hiệu lực, nhưng trong con mắt của doanh nhân, ông Đệ cho rằng không nên cho phép xây dựng bệnh viện tư trong khuôn viên của bệnh viện công, bởi hậu quả trong tương lai sẽ là vấn đề tham nhũng, vấn đề chia chác, gây thất thoát cho nguồn lực Nhà nước. “Nếu mỗi một tỉnh có 1 bệnh viện tư trong bệnh viện công thì sẽ bóp chết hành chục bệnh viện tư khác. Đề nghị Chính phủ nên sửa đổi, có chính sách khuyến khích để nhiều doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này, giảm quá tải cho bệnh viện nhà nước”, ông Đệ kiến nghị.

Về Nghị quyết T.Ư 5, ông Đệ bày tỏ tán thành với quan điểm trong lúc Nhà nước đang khó khăn thì cái gì doanh nghiệp đầu tư được Nhà nước nên thôi, đừng làm nữa. Ông nhấn mạnh, nếu cứ lấy tiền Nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 35, ông Đệ kiến nghị cần phát huy hiệu quả Nghị quyết 04 của Bộ chính trị. “Là doanh nhân chúng tôi thấy rất mừng nhưng hiệu lực còn chỗ nào đó chưa tốt. Ví dụ như tại Hải Phòng vừa qua, chính quyền động viên một doanh nghiệp đầu tư 50 tỷ vào một dự án, nhưng đầu tư xong thì “bẻ kèo” không cho. Tôi là Tổ trưởng tổ công tác của phòng thương mại được cử đến, gửi văn bản, điện thoại và tin nhắn cho Bí thư và Chủ tịch Hải Phòng đều không nhận được trả lời, 3 ngày sau phải về người không. Vậy thì kiến tạo và phục vụ ở chỗ nào?”, ông Đệ dẫn chứng và đề nghị Chính phủ xem xét.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao phát biểu rất thẳng thắn của ông Đệ và khẳng định Chính phủ ghi nhận, sẽ giao cơ quan công quyền nghiêm túc xem xét.


Các tin mới hơn:


Các tin cũ hơn: